[Mitsubishi Hà Tĩnh] So sánh Mitsubishi Xpander và Toyota Rush – Ai mới thực sự là Ông vua phân khúc ?
Trong thời gian gần đây thị trường ô tô Hà Tĩnh xuất hiện Mitsubishi Xpander và Toyota Rush là 2 cái tên được quan tâm nhiều nhất trong phân khúc xe 7 chỗ nhỏ hơn Toyota Innova. Vậy đâu là lựa chọn phù hợp nhất với bạn?
Hai kẻ chiếm lĩnh phân khúc MPV 7 chỗ cỡ nhỏ
Vào khoảng nửa cuối năm 2018, sự xuất hiện của Mitsubishi Xpander đã khiến phân khúc xe MPV 7 chỗ nóng hơn bao giờ hết. Mitsubishi Xpander 2019 là cái tên được khá nhiều khách hàng tại Hà Tĩnh trông đợi ngay từ khi xe chưa được bán tại Việt Nam bởi thiết kế hiện đại, táo bạo và mạnh mẽ so với phân khúc MPV, vốn bao gồm những chiếc xe đề cao công năng hơn là thiết kế.
Mitsubishi Xpander đã nhanh chân vươn lên trở thành mẫu xe bán chạy thứ nhì phân khúc MPV, sau ông hoàng Toyota Innova. Thiết kế hiện đại và bắt mắt giúp Xpander làm lu mờ Kia Rondo, Chevrolet Orlando hay Suzuki Ertiga, những mẫu xe đã được bán tại Việt Nam từ khá lâu. Tuy nhiên, Toyota cũng không chịu nhường miếng bánh béo bở này cho đối thủ cùng hương. Họ ngay lập tức trình làng bộ đội Avanza và Rush – cùng có 7 chỗ, cùng có giá bán hợp lý và những điểm mạnh đặc trưng của thương hiệu Toyota. Dù trên giấy tờ thì Toyota Avanza là đối thủ trực tiếp của Xpander nhưng trong mắt người tiêu dùng, Rush mới là dòng xe được đặt lên bàn cân.
Bài viết ngày hôm nay sẽ so sánh kỹ lưỡng Mitsubishi Xpander và Toyota Rush cả về thông số, trang bị lẫn trải nghiệm lái. Những thông số trực quan sẽ được chia sẻ trong khuôn khổ bài viết này để mang đến một lời kết luật công bằng nhất về 2 mẫu xe trên. Vậy, Xpander và Rush, “mèo nào cắn mỉu nào”?
Trước khi đi vào phần đánh giá chi tiết, rõ ràng bất kỳ ai đang có nhu cầu tìm hiểu về Mitsubishi Xpander và Toyota Rush đều đã biết rằng mẫu xe của Mitsubishi đang có lợi thế về giá. Cùng nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, Toyota Rush và Mitsubishi Xpander đều được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên Toyota Rush S 1.5AT có giá bán CAO hơn khá nhiều so với Mitsubishi Xpander AT. Và đây sẽ rào cản với mẫu xe của Toyota khi các trang bị trên Mitsubishi Xpander vẫn đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của khách hàng đang tìm kiếm 1 chiếc xe gia đình 7 chỗ.
Cụ thể, giá niêm yết của Mitsubishi Xpander tại Hà Tĩnh là 620 triệu đồng cho bản AT cao cấp nhất, trong khi Toyota Rush S 1.5AT có giá niêm yết 668 triệu đồng. Như vậy, khoảng cách giá đã lên tới 48 triệu đồng. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng phàn nàn rằng để có thể nhận được xe sớm, họ phải chấp nhận mua xe kèm phụ kiện, và số tiền họ phải bỏ ra cho những món phụ kiện đó rơi vào khoảng 50 cho đến 100 triệu đồng. Có thể thấy, nếu so sánh về giá thì rõ ràng Mitsubishi Xpander vượt trội hơn hẳn so với đối thủ đồng hương. Mitsubishi Xpander 1 – 0 Toyota Rush.
Ngoại thất
Mỗi người có những cảm nhận khác nhau về cái đẹp, nhưng có những thiết kế được nhiều người đánh giá cao hơn. Trong trường hợp này, Mitsubisi Xpander có thiết kế nổi bật hơn trong mắt tôi. Nếu đi đường và vô tình bắt gặp Xpander trên phố, nhiều khả năng bạn sẽ không tin chiếc xe này có giá bán chỉ từ 550 triệu đồng. Ngôn ngữ Dynamic Shield thể hiện rõ ràng trên “bộ mặt” của Mitsubishi Xpander.
Những nét đặc trưng của Dynamic Shield bao gồm hai cụm đèn định vị ban ngày sắc sảo được nối liền với nhau bởi những thanh ngang to bản; mặt ca-lăng màu đen thu hẹp lại ở phần giữa và tiếp tục “nở” ra về phía dưới cản trước; các thanh nẹp mạ chrome chạy viền dưới các đèn pha và bao quanh mặt ca-lăng xe tạo thành hình ảnh chữ X. Một điểm nhấn khác là kiểu thiết kế đèn định vị đặt lên cao, kiểu “mắt hí”, trong khi đèn pha được đẩy xuống thấp.
Nhìn sang chiếc Toyota Rush, ta dễ dàng nhận thấy chiếc xe nhà Toyota vẫn duy trì thiết kế hiền hòa đặc trưng của hãng mà không quá phô trương, hầm hố như đối thủ. Chúng ta thấy lưới tản nhiệt hình thang với các thanh nằm ngang tương tự với Toyota Innova, nhưng cụm đèn được thiết kế liền mạch với lưới tản nhiệt đã mang đến một bộ mặt hứng khởi, năng động hơn so với Innova. So với đối thủ Xpander, Toyota Rush S nhỉnh hơn về hệ thống chiếu sáng vì mẫu xe này được trang bị đèn pha LED tự động bật, trong khi Xpander chỉ có đèn halogen.
Dù có thiết kế cá tính hơn nhưng Xpander chỉ có đèn pha halogen.
Nhìn sang phần thân xe, Mitsubishi Xpander tiếp tục là mẫu xe có ngoại hình bảnh bao, hiện đại hơn. Nhìn ngang thân xe, ta sẽ thấy những đường nét rất hiện đại và phá cách. Đó là khung kính tương đối lớn với cột D được sơn đen ở giữa, giúp tạo ra ấn tượng như nóc xe treo lơ lửng giữa không trung.
Chi tiết tạo điểm nhấn ở thân xe là một đường rãnh bắt đầu từ dưới gương và chạy dọc thân xe, “xuyên” qua tay nắm cửa và kết thúc ở cụm đèn hậu. Đây là chi tiết mang lại sự tươi mới và chất khác biệt cho Xpander. Chi tiết này kết hợp với đường gờ ở phần dưới thân xe tạo nên một vòng lặp hoàn hảo. Chưa hết, vòm bánh xe đậm nét và các la-zăng 16 inch có thiết kế ấn tượng càng khiến Xpander toát lên vẻ hiện đại. Một điểm cộng khác là gương chiếu hậu được đặt trên cửa chứ không phải gắn liền cột A. Kiểu đặt gương như thế này sẽ giúp hạn chế điểm mù cho người lái.
Nhìn sang chiếc Toyota Rush, ta vẫn thấy những đường nét thiết kế tương đối mạnh mẽ và cảm xúc, tuy không ấn tượng như chiếc Xpander. Ta có 1 đường lõm chạy từ vòm bánh xe trước, vuốt lên cụm đèn sau. Phần thân dưới được ốp nhựa đen – kiểu thiết kế đặc trưng của xe SUV/CUV, giúp mang lại ấn tượng thị giác rằng xe cao ráo, hầm hố hơn thực tế. Cá nhân tôi thích kiểu la-zăng hình cánh quạt của Toyota Rush hơn, nó lớn hơn (17 inch so với 16 inch) và có thiết kế bắt mắt hơn, dù kiểu la-zăng của Xpander che khuyết điểm phanh sau tang trống tốt hơn. Một điểm gỡ gạc cho Rush là nước sơn của mẫu xe này cao cấp hơn với 1 lớp nhũ óng ánh, trong khi sơn Xpander không có nhũ.
Phần cửa sổ cho hàng ghế thứ 3 của Toyota Rush không sắc sảo như Xpander nhưng bù lại, nó mang lại tầm nhìn thoáng đãng hơn cho người ngồi sau.
Tuy nhiên, gương gắn ở thành cửa khiến tầm nhìn người lái trên chiếc Xpander tốt hơn, hạn chế điểm mù ở góc chữ A.
Cả 2 xe đều có phanh sau dạng tang trống, 1 quyết định cắt giảm chi phí có lẽ là chấp nhận được với giá bán dưới 700tr của 2 chiếc xe. Một khác biệt nho nhỏ nữa: Xpander có lốp Bridgestone Ecopia EP150 có chỉ số độ bền vân (treadwear) lên tới 380, vượt trội so với lốp Dunlop Enesave EC300+ với độ bền chỉ 240. Tất nhiên, lốp cứng hơn, bền hơn sẽ có khả năng bị ồn hơn. Chúng ta sẽ kiểm chứng điều đó trong phần trải nghiệm bên dưới.
Về phần đuôi xe, Mitsubishi Xpander vẫn mang thiết kế hình chữ X giống như đầu xe, tạo ra sự liền mạch mà thường chỉ những chiếc xe sang mới có. Tuy nhiên, nếu bóc tách từng thành phần ra so sánh với Toyota Rush thì Xpander lại kém hơn: đèn phanh của Xpander dạng halogen (chỉ có đèn định vị dạng LED), trong khi cả đèn phanh và đèn định vị của Rush đều là LED. Xpander cũng chỉ có camera lùi, trong khi Rush có cả camera lùi và 2 cảm biến lùi.
Đèn phanh của Xpander vẫn là bóng halogen, trong khi đèn phanh của Rush là LED.
Toyota Rush cũng có 2 cảm biến lùi.
Mitsubishi Xpander có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao, mm) lần lượt là 4.475 x 1.750 x 1.695 mm, chiều dài cơ sở 2.775 mm, trọng lượng khô 1.240 kg. Những thông số này của Toyota Rush lần lượt là 4.435 x 1.695 x 1.705, chiều dài cơ sở 2.685 mm, trọng lượng khô 1.290 kg. Có thể thấy, Mitsubishi Xpander không chỉ đẹp hơn mà còn rộng rãi hơn khi Xpander dài hơn 40mm nhưng trục cơ sở dài hơn tới 90mm, rộng ngang hơn 65mm so với Rush. Chiếc Toyota có khoảng sáng gầm xe trội hơn 15 mm (220 mm so với 205 mm) nhưng Xpander lại nhẹ hơn tới 50 kg. Nhìn chung, dù Toyota Rush có nhỉnh hơn về trang bị (đèn pha LED tự động, đèn hậu LED, cảm biến lùi) nhưng đối với tôi, Mitsubishi Xpander vẫn là chiếc xe có ngoại hình nổi trội hơn. Mitsubishi Xpander 2 – 0 Toyota Rush.
Nội thất
Đối với một chiếc xe gia đình thì không gian nội thất là tiêu chí quan trọng nhất. Tại sao lại mua xe 7 chỗ trong khi 7 người không thể ngồi thoải mái trong xem, đúng không? Không gian nội thất là thứ khiến Toyota Innova độc bá trong một thời gian dài, và bây giờ chúng ta sẽ xem 2 mẫu xe nhỏ hơn là Xpander và Rush thể hiện như thế nào.
Đôi khi những con số khô khan không thể hiện được hết trải nghiệm thực tế. Vì vậy, nhóm trải nghiệm đã bố trí 3 người ngồi ở 3 hàng ghế để trực tiếp trải nghiệm độ rộng rãi của 3 hàng ghế. Tôi cao 1m7 và 2 người trải nghiệm khác cao 1m8. Kết quả là chiếc Xpander cho trải nghiệm thoải mái hơn ở cả 3 hàng ghế!
Ở ghế lái, tôi có 1 chiếc ghế rất rộng rãi và thoải mái trên Xpander, trong khi ghế lái của Rush có mặt ghế hẹp hơn nhiều. Điều đó kết hợp với việc vô lăng Rush chỉ gật gù, không thò thụt nên tôi gần như không thể tìm được 1 tư thế lái tối ưu nhất. Trái lại, chiếc ghế êm ái của Xpander với vô lăng chỉnh cơ 4 hướng khiến việc làm quen với chiếc xe chẳng mất quá nhiều thời gian.
Ở hàng ghế thứ 3, người trải nghiệm cũng không phải ngồi kiểu bó gối trên chiếc Xpander, với khoảng đặt chân và khoảng trống trên đầu thoải mái hơn Toyota Rush. Hơn nữa, đệm mút ở hàng ghế thứ 3 trên Xpander cũng dày dặn hơn Toyota Rush nên ngồi êm hơn. Một ưu điểm nữa là hàng ghế thứ 3 của Xpander gập phẳng xuống sàn, trong khi ghế Toyota Rush lật ngửa lên. Cá nhân tôi vẫn thích kiểu gập phẳng xuống sàn hơn nhiều gập ngửa.
Vậy còn về chất lượng vật liệu nội thất thì sao? Cả 2 chiếc xe đều thuộc phân khúc giá rẻ nên không khó hiểu khi nhựa cứng tràn ngập khắp nơi. Dù vậy, Xpander vẫn nhỉnh hơn 1 chút với các chi tiết trang trí giả gỗ. Thêm nữa, nỉ bọc ghế là loại màu sáng, giúp tạo không gian thoáng đãng bên trong xe, dù nỉ đen như Rush sẽ đỡ bám bẩn hơn.
Chúng ta hãy đi vào những chi tiết nhỏ hơn. Vô lăng của Xpander cho cảm giác cầm nắm vừa tay hơn và có thiết kế hiện đại hơn vô lăng Rush. Thêm nữa, trên vô lăng Xpander có nút ga tự động (Cruise Control), trang bị rất hữu ích nếu bạn thường xuyên đi đường trường. Tôi khá thất vọng khi chiếc xe đắt hơn là Toyota Rush lại không có trang bị này, dù bạn có thể độ thêm nếu muốn. Tôi cũng thấy cụm đồng hồ của Xpander đẹp hơn với cụm đồng hồ hiện đại hơn và màn hình LCD ở giữa lớn hơn, hiển thị nhiều thông tin hơn.
Toyota Rush “gỡ gạc” với chiếc màn hình trung tâm đẹp hơn. Chưa hết, Toyota Rush có dàn âm thanh 8 loa, trong khi Xpander chỉ có 6 loa. Bên cạnh đó, Toyota Rush cũng được trang bị điều hòa tự động với màn hình hiển thị nhiệt độ, trong khi điều hòa Xpander chỉ có những nấc gió và nhiệt độ cố định. Tuy nhiên, dàn cửa gió phía sau của Xpander lại “xịn” hơn với 4 cửa gió riêng biệt cho 2 hàng ghế, trong khi Rush chỉ có 3 cửa gió.
Toyota Rush có tới 3 hộc để cốc trung tâm, nhiều hơn 1 chiếc so với Mitsubishi Xpander. Tuy nhiên, 2 hộc để cốc của Xpander lại to và sâu hơn nên sẽ hữu dụng hơn. Quan trọng hơn, Mitsubishi Xpander có bệ tỳ tay trung tâm và Rush không có. Nếu ai thường xuyên lái xe đường trường thì sẽ hiểu bệ tỳ tay thiết yếu như thế nào.
Với mức giá cao hơn 48 triệu đồng, Toyota Rush nổi trội hơn Xpander với hệ thống kiểm soát lực kéo, 6 túi khí, Hỗ trợ đổ đèo và cảm biến lùi phía sau. Mẫu xe của Mitsubishi không có kiểm soát lực kéo, cảm biến lùi và nhất là chỉ được trang bị 2 túi khí. Đó là những điểm khác biệt duy nhất, trong khi những thiết bị an toàn cơ bản như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử ESP, Hỗ trợ khởi hành ngang dốc đều được trang bị cho cả 2 mẫu xe. Nhìn chung, cả 2 mẫu xe đều có những ưu thế nhất định khi so sánh nội thất và khi nói về trang bị an toàn, Toyota Rush lại trội hơn. Vì vậy, trong mục trải nghiệm này, tôi sẽ dành 1 điểm cho Xpander và 2 điểm cho Rush. Mitsubishi Xpander 3 – 2 Toyota Rush.
Trải nghiệm thực tế
Mitsubishi Xpander 2019 sử dụng động cơ MIVEC 1.5L, 4 xy-lanh, DOHC, cho công suất cực đại 104 mã lực ở 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn tối 141 Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Trong khi đó, Toyota Rush được trang bị động cơ 2NR-VE 4 xy-lanh, dung tích 1.5L, sản sinh công suất tối đa 102 mã lực tại 6.300 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 134 Nm tại 4.200 vòng/phút, kết hợp với hộp số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu sau.
Những thông số trên có sự khác biệt không lớn, nhưng có thể thấy rằng Mitsubishi Xpander vẫn trội hơn 1 chút. Trên giấy tờ, xe mạnh hơn 2 mã lực và công suất tối đa này đến sớm hơn so với Rush (104 mã lực tại 6.000 vòng/phút so với 102 mã lực tại 6.300 vòng/phút. Đáng kể hơn, cỗ máy 1.5L của Xpander sản sinh nhiều hơn 7 Nm ở vòng tua sớm hơn 200 vòng/phút. Tất nhiên, những sự khác biệt này không đủ lớn để có thể cảm nhận trực tiếp.
Thứ có thể đo đạc cụ thể là độ êm ái của 2 khối động cơ này. Nổ máy và tắt điều hòa, chúng tôi đo được độ ồn trung bình của Xpander khi nổ cầm chừng là 55.9 dBA, còn Rush là 62.2 dBA. Như vậy, động cơ chiếc Xpander êm ái hơn về mặt tiếng ồn. Chạm tay vào nắp capô, khối động cơ của Xpander cũng tạo ra ít rung động hơn so với động cơ Rush. Tuy nhiên, động cơ Rush cũng “gỡ điểm” bằng việc được trang bị hệ thống biến thiên thời điểm mở (Variable Valve Timing) ở cả trục cam nạp và cam xả, trong khi động cơ Xpander chỉ có biến thiên van nạp.
Tuy nhiên, ngay sau khi ngồi vào vị trí lái, bạn sẽ lập tức nhận ra đâu là chiếc xe tốt hơn. Chưa cần phải mạnh chân ga, chỉ cần chạy tà tà ở vận tốc 40 km/h ta cũng thấy khả năng cách âm của chiếc Xpander vượt trội hơn hẳn. Chưa hết, hộp số của Xpander cũng thông minh hơn và có các bước số được cân chỉnh tốt hơn. Cụ thể, khi vừa đề pa, tôi có cảm giác chiếc Xpander tăng tốc mượt mà và chuyển số êm ái hơn, trong khi chiếc Rush phải gầm gào một lúc thì mới chịu chuyển số.
Tôi đo được độ ồn ở 50 km/h với chiếc Xpander là 57.7 dBA, ở 80 km/h là 58.9 dBA, một kết quả rất thuyết phục. Với chiếc Rush, độ ồn ở 50 km/h là 57.5 dBA nhưng ở 80 km/h, độ ồn lên tới 61.4 dBA. Tuy nhiên, đây là độ ồn đo khi xe chạy ở tốc ổn định còn khi tăng tốc, chiếc Xpander không chỉ tăng tốc mượt mà hơn mà còn bớt ồn hơn nhiều. Chiếc Rush cho chúng tôi cảm giác được “xuyên không” về những năm 2000 chứ không phải là năm 2018 nữa! Lên cao tốc, ở 100 km/h, chiếc Rush phải cần tua vòng lên tới 3.000 vòng/phút và ở 120 km/h, kim đồng hồ chạm mức 3.500 vòng/phút. Giải pháp duy nhất để lấn át tiếng ồn trong khoang cabin là mở nhạc thật to.
Về độ êm ái và ổn định, trên lý thuyết, Toyota Rush phải lấn át Xpander với hệ dẫn động cầu sau và hệ thống treo sau đa điểm phụ thuộc (Mitsubishi Xpander dẫn động cầu trước và có treo sau dạng thanh xoắn). Tuy nhiên, tôi không thấy quá nhiều sự khác biệt giữa 2 chiếc xe.
Dù đều có bán kính quay đầu theo công bố là 5,2 mét nhưng trên thực tế Mitsubishi Xpander vẫn linh hoạt hơn 1 chút.
Khi vào cua, cả 2 đều bồng bềnh dù Rush kiểm soát dao dộng ngang tốt hơn 1 chút với thanh cân bằng khá lớn ở phía sau. Khi cố tình qua gờ giảm tốc với tốc độ cao, cả hai chiếc xe đều chịu hiện tượng nảy đuôi, chiếc Rush tiếp tục lấy lại cân bằng tốt hơn một chút. Tuy nhiên, tốt hơn một chút là chưa đủ đề bù đắp cho khả năng cách âm kém hơn, không gian nội thất chật chội hơn. Mitsubishi Xpander 4 – 2 Toyota Rush.
Kết luận
Rõ ràng là Mitsubishi Xpander và Toyota Rush vẫn đang là 2 mẫu MPV hot nhất phân khúc nhờ những ưu điểm về mặt thương hiệu và trải nghiệm khi so với phần còn lại. Toyota Rush có sức mạnh thương hiệu, thiết kế cao ráo và rất nhiều trang bị an toàn. Dù người tiêu dùng đang chịu tình trạng “bia kèm lạc” khi chọn mua Rush nhưng không thể phủ nhận rằng đây tiếp tục là một mẫu xe thành công nữa của Toyota, bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc như Vios, Innova, Fortuner, Wigo.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm chiếc MPV mang lại nhiều giá trị nhất cho từng đồng tiền bạn bỏ ra thì Mitsubishi Xpander là lựa chọn phù hợp hơn. So với đối thủ Toyota Rush, Xpander rẻ hơn, thiết kế hiện đại hơn, nội thất rộng rãi hơn và có khả năng cách âm vượt trội. Do đó, kẻ thắng cuộc trong bài so sánh ngày hôm nay là Mitsubishi Xpander. Một chiến thắng hoàn toàn xứng đáng!
Về Mitsubishi Hà Tĩnh:
Mitsubishi Hà Tĩnh có Văn Phòng Đại Diện Chính Hãng đóng tại: Số 06, Đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh ( VP Kim Liên Group ) cung cấp dịch vụ bán hàng cho khách hàng tại Hà Tĩnh
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm xe mới và sử dụng dịch vụ dòng xe Mitsubishi ngày càng tăng cao của khách hàng tại Hà Tĩnh, chúng tôi đang xây dựng Đại lý Mitsubishi Hà Tĩnh 5S chính hãng tại Xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến đi vào hoạt động Tháng 12/2019
Với kinh nghiệm trên thị trường ô tô cùng thông điệp “Drive your Ambition” (Dẫn lối khát vọng), Mitsubishi Hà Tĩnh luôn cam kết với các giá trị và khát vọng của công ty trong tương lai đến Quý khách hàng. Chúng tôi sẽ đem đến những mẫu xe vận hành vượt trội với những trang bị an toàn tiên tiến.
Hiện nay, Mitsubishi Hà Tĩnh đang phân phối 6 mẫu xe của Mitsubishi Motors tại thị trường Hà Tĩnh :